Phát hiện cong, vẹo cột sống ở bé

  • Xem: 2.553

'Những dấu hiệu nào cho biết bé bị vẹo cột sống, thưa bác sĩ? Làm thế nào để phòng chứng này cho bé?' - Hoàng Trang (Nam Định). BS. Nguyễn Hưng trả lời: Bình thường, cột sống của bé thẳng hàng khi nhìn từ cổ xuống lưng và thắt lưng. Nhìn ngang, cột sống hơi cong ở lưng và ưỡn bình thường ở thắt lưng.

'Những dấu hiệu nào cho biết bé bị vẹo cột sống, thưa bác sĩ? Làm thế nào để phòng chứng này cho bé?' - Hoàng Trang (Nam Định).

BS. Nguyễn Hưng trả lời:

Bình thường, cột sống của bé thẳng hàng khi nhìn từ cổ xuống lưng và thắt lưng. Nhìn ngang, cột sống hơi cong ở lưng và ưỡn bình thường ở thắt lưng.

Nếu bị tật vẹo cột sống, nhìn phía sau khi bé đứng thẳng sẽ thấy vai xệ một bên, lồng ngực nhô lên một bên, có thể kèm theo vùng hông – thắt lưng nhô phía bên kia; xương chậu và háng cao hơn bên kia; cột sống lệch sang bên. Cho bé cúi thắt lưng, nhìn phía sau sẽ thấy rõ lồng ngực (hay hông thắt lưng) nhô lên một (hay hai) bên.

Vẹo cột sống có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Giai đoạn dậy thì bé dễ bị vẹo cột sống nhất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vẹo cột sống như: bẩm sinh; vẹo cột sống kèm theo các bệnh lý tuỷ sống hay thần kinh cơ (bướu đa sợi thần kinh, rỗng tuỷ sống, thoát vị hạnh nhân tiểu não, di chứng sốt bại liệt...); không rõ nguyên nhân.

Khi phát hiện con bị chứng vẹo cột sống, bạn nên sớm đưa cháu đi khám chuyên khoa cột sống hay chấn thương chỉnh hình. Khám càng sớm thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn. Phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào mức độ vẹo cột sống của bé. Bé bị vẹo cấp độ nhẹ thì chỉ cần tập luyện, vật lý trị liệu. Nặng hơn thì phải phẫu thuật chỉnh hình.

Nhiều bé vẹo cột sống mà bố mẹ không biết

Nhìn từ phía sau, người ta có thể tưởng Như là một bà cụ nhỏ nhắn, chứ không nghĩ đó là một cô bé 14 tuổi. Bị cong cột sống tới 72º, em lúc nào cũng mặc cảm bởi dáng còng khắc khổ của mình.

Người nhà cô bé (ở Như Xuân, Thanh Hóa này) cho biết, khi Như còn nhỏ bố mẹ đã sờ thấy cột sống của em hơi cong, nhưng vì không có điều kiện, nên mãi tới khi thấy con gù lưng, không thể đứng thẳng, họ mới đưa em đi khám. Bố mẹ cho biết, Như cũng thường xuyên bị đau ngực, khó thở do phổi bên trái bị xẹp. Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ kết luận Như bị cong vẹo cột sống nặng và phải phẫu thuật nắn chỉnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạch (trưởng khoa Phẫu thuật cốt sống, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) cho biết, Như chỉ là một trong số rất nhiều bé bị cong vẹo cột sống được đưa đến khám tại khoa, khi bệnh đã rất nặng. Theo bác sĩ, có khoảng 2-3% dân số mắc cong vẹo cột sống, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở nhóm 13-18 tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam. Có tới 2/3 số người bị cong vẹo cột sống là không rõ nguyên nhân, còn lại có thể do dị tật bẩm sinh, u tủy sống hoặc cột sống...

Tiến sĩ Thạch cho biết, tại khoa phẫu thuật cột sống, mỗi dịp hè về, có tới gần trăm bệnh nhi được đưa tới khám cong vẹo cột sống, trong đó đa phần là đã ở mức độ nặng, khi cong vẹo đã thấy rõ.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh này nếu được điều trị sớm sẽ đạt kết quả tốt hơn. Bệnh sẽ được chẩn đoán chính xác bằng chụp Xquang.

Theo ông, cột sống bị cong vẹo nếu không được phát hiện và xử trí sớm có khả năng gây ra những biến dạng ở khung chậu, lồng ngực nên có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan bên trong như phổi, tim... dẫn đến bệnh mãn tính, thậm chí ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Lưu ý: Từ 8h đến 16h chủ nhật (ngày 7/8), khoa phẫu thuật cột sống, Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) sẽ tổ chức khám tư vẫn miễn phí cho các trường hợp bệnh nhân vẹo cột sống tại Hội trường lớn của Bệnh viện. Đối với những trường hợp vẹo cột sống cần can thiệp y tế, Bệnh viện sẽ hỗ trợ tiền phí áo chỉnh hình cột sống. Đây cũng là cơ hội cho những bệnh nhân và người nhà giao lưu với các trường hợp được phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống tại khoa từ trước đến nay. Liên hệ: 04.39380053 (khoa phẫu thuật cột sống).

Theo Sức Khỏe & Đời Sống / VnExpress

Hotline Hotline