Cẩm nang nuôi dạy trẻ
'Dễ tính' một chút để giúp trẻ sáng tạo
- Xem: 1.433
Do muốn con mình có một khả sáng tạo toàn vẹn và phải tạo được một sản phẩm hoàn thiện (chẳng hạn một đồ chơi cụ thể) nên các ông bố bà mẹ luôn tạo ra áp lực cho trẻ. Thực ra, áp lực này dễ làm thui chột khả năng sáng tạo. Mọi người đều có thể phát huy được khả năng sáng tạo nếu họ có được một trình độ tri thức, kinh nghiệm và khả năng cần thiết cho hoạt động sáng tạo. Đối với trẻ em, quá trình sáng tạo được coi là quan trọng hơn việc hoàn thiện một sản phẩm cụ thể.
Thời thơ ấu là thời kỳ của sáng tạo và tính tò mò bản năng. Lúc này, trẻ thường xuyên sống cùng với cha mẹ - những người có thể tạo ra ảnh hưởng rất lớn đến tính sáng tạo của trẻ:
Cha mẹ nào con ấy: Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình mà cha mẹ luôn luôn có sự giao tiếp, chia sẻ với con cái sẽ có thể làm thơ, vẽ tranh, kể các câu chuyện sinh động. Vì vậy, hằng ngày, hãy tạo ra những câu chuyện vui vẻ, những hoạt động vui vẻ, nói về những người hàng xóm… cùng với trẻ. Khuyến khích trẻ sử dụng các cách mới khi giải quyết những vấn đề gặp phải. Trẻ sẽ phát huy được khả năng sáng tạo nhiều hơn khi chính cha mẹ cũng luôn muốn phát triển tính sáng tạo của mình.
Phán xét sẽ kiềm chế tính sáng tạo: Nếu trẻ nhận thấy rằng những cái mình làm là chủ đề để người lớn phán xét hoặc phê phán, nó sẽ lui về cố thủ trong lối mòn. Nếu bố mẹ bảo: “Con xếp cái hình như anh Hùng xếp đi”, trẻ sẽ hiểu bố mẹ coi sản phẩm của anh Hùng là khuôn mẫu và có thể sẽ không tìm cách riêng của mình, chỉ làm một cách đơn giản theo ý của người khác. Hậu quả là tính sáng tạo sẽ được thay thế bằng sự khép kín. Chính vì vậy cha mẹ phải biết thừa nhận và khuyến khích khả năng sáng tạo của con.
Cởi mở chấp nhận cá tính của trẻ: Hãy chấp nhận sự tìm tòi, mày mò của trẻ một cách cởi mở, thậm chí khi "tác phẩm" của nó không hoàn hảo hoặc chưa hoàn thiện. Sáng tạo là một quá trình không cần bằng, chứa đựng cả những kết thúc không mong muốn, nhận thức sai, lỗi lầm và sự bất chợt tỏa sáng. Với lòng khoan dung, cha mẹ nên thừa nhận cá tính của con; vì kết quả của sự sáng tạo cũng chính là sự thể hiện bản thân, chứa đựng tính cá nhân của trẻ.
Đừng gây áp lực: Sự kỳ vọng nhiều khi khiến cha mẹ nôn nóng và gây sức ép cho con. Thực ra, khả năng sáng tạo không thể tăng lên khi bị người khác thúc đẩy, ép buộc, thậm chí còn giảm đi. Có thể trẻ trải qua một giai đoạn dài mà không có sự sáng tạo, nhưng đôi khi những ý tưởng mới bất chợt nổi dậy. Vì vậy, bạn hãy kiên trì với con mình.
Cung cấp những nguồn lực con cần: Con người không thể sáng tạo trong môi trường “chân không”. Trẻ phải có các điều kiện để kích thích sự xuất hiện các ý tưởng mới. Nhưng các nguồn lực này không làm cho trẻ sáng tạo mà chỉ tạo điều kiện thôi. Cha mẹ nên cung cấp những vật giúp trẻ làm ra chiếc hộp, đồ chơi... hơn là mua cho trẻ hình siêu nhân hay búp bê bằng điện.
ThS tâm lý Nguyễn Thành Đoàn
Nguồn: VnExpress
Bài viết khác
-
Tại sao trẻ nhỏ cần học thông qua trò chơi?"
Trò chơi không chỉ là giải trí mà còn có thể là công cụ học tập ...
-
8 LƯU Ý QUAN TRỌNG CHO BA MẸ KHI TRẺ ĐI HỌC MẦM NON LẦN ĐẦU
Với các Bé có độ tuổi dưới 18 tháng thường có mức độ quấn, đòi Ba ...
-
Dạy con tình yêu đất nước qua sự kiện Sea Games 30
Ngày 10/12, hàng trăm các bé trường Mầm non Việt Mỹ đã được các cô hướng ...