Chăm sóc sức khỏe Bé
Bệnh thủy đậu vào mùa
- Xem: 3.823
Thủy đậu hay xảy ra vào mùa xuân, dễ gây thành dịch, đặc biệt ở bé đi mẫu giáo vì lây qua đường hô hấp. Có những bé 7-8 tháng cũng mắc bệnh.
Thủy đậu hay xảy ra vào mùa xuân, dễ gây thành dịch, đặc biệt ở bé đi mẫu giáo vì lây qua đường hô hấp. Có những bé 7-8 tháng cũng mắc bệnh.
Phó giáo sư Bùi Đức Huy (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội) cho biết, bệnh lây qua đường hô hấp nên khi bé ho, virus bắn ra môi trường xunh quanh là các bé khác dễ bị lây. Về nguyên tắc khi ho, giọt nước có thể bắn ra xa khoảng 2m.
Thủy đậu là bệnh lành tính, đa số bé đến khám được cho về điều trị tại nhà. Bệnh hay gặp ở bé 1-9 tuổi. Bé dưới 1 tuổi khả năng bị ít hơn nhưng không phải là không có. Có một tỷ lệ nhỏ phải nhập viện vì biến chứng hoặc ban mọc quá nhiều.
Một bé gái 12 tuổi (ở Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện Nhiệt đới trung ương vào ngày thứ 5 của bệnh, trong tình trạng ban nổi khắp người, dày trên cả mặt, mọc cả trong miệng khiến bé khó ăn, khó nuốt. Cháu bị lây bệnh từ em đang học lớp 1. Đây là trường hợp nặng nên các bác sĩ phải dùng thuốc kháng virus, tiếp tục theo dõi. Rất may là bệnh nhi chưa có hiện tượng bội nhiễm.
Theo phó giáo sư Huy, thời gian ủ bệnh (tính từ khi bắt đầu nhiễm virus đến khi có biểu hiện bệnh đầu tiên) trung bình khoảng 14 ngày. Bệnh lây ngay từ giai đoạn này, vì thế khi bé bắt đầu có biểu hiện mới cách ly thì đã muộn. Thủy đậu lây mạnh nhất ở tuần đầu tiên trước khi có biểu hiện.
Ban đầu bé thường sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi người... Một số cháu không có triệu chứng đầy đủ như trên, đôi khi chỉ sốt nhẹ. Sau 1-2 ngày bắt đầu có các biểu hiện điển hình của thủy đậu là phát ban, phỏng nước trên da. Trên cùng một vùng cùng có các ban mới mọc, đã vỡ, tạo bỏng nước xen lẫn nhau. Thời gian từ khi xuất hiện đến khi vỡ là khoảng 2-3 ngày.
Mới đầu ban chắc, nhỏ, sau đó tạo phỏng nước, kích thước to hơn, nước trong. Trong trường hợp nước nhìn thấy đục là đã có nhiễm khuẩn. Khi ban vỡ để lại vét loét trợt trên da, khiến bé ngứa, gãi, dễ gây nhiễm trùng.
"Cha mẹ không cần kiêng khem quá mức, quan trọng là giữ vệ sinh sạch sẽ, vùng ban vỡ tự khô, đóng vảy, đến khi bỏng vảy thì sẽ không để lại sẹo. Nếu nhiễm trùng, tổn thương sẽ sâu hơn thì dễ để lại sẹo trên da" - phó giáo sư Huy cho biết.
Cũng theo bác sĩ, ngoài xuất hiện trên da, ban có thể mọc trong họng, miệng, đường tiêu hóa, khiến bé khó ăn, khó nuốt, đau, có biểu hiện tiêu chảy. Thậm chí một số bé ho, khó thở nếu ban mọc trong đường hô hấp.
Giai đoạn từ khi sốt đến khi hết mọc ban là 5-7 ngày, tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh. Bệnh diễn biến lành tính nếu chăm sóc tốt và không có biến chứng. Một số biến chứng có thể gặp là viêm da, viêm phổi, viêm não - màng não... Bé bị viêm phổi do thủy đậu thường ho khan, nếu có bội nhiễm vi khuẩn thì có biểu hiện sốt lại, ho nhiều hơn, ho ra đờm đặc.
Cần lưu ý thủy đậu xuất hiện ở phụ nữ có thai 3 tháng cuối. Theo nghiên cứu có khoảng 2% bé sinh ra nhiễm thủy đậu trong giai đoạn bào thai. Nếu trước sinh 2 tuần mà mẹ mắc thì khoảng 50% số bé có biểu hiện bệnh. Ngoài ra, một số bé sơ sinh có thể mắc bệnh do lây từ người lớn, người lành mang trùng.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bé bị bệnh cha mẹ cần đưa đi khám để được tư vấn cách chăm sóc, tăng cường vệ sinh răng miệng, da, tránh các biến chứng. Chú ý cho bé ăn uống đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Tốt nhất là cho bé nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây lan. Cha mẹ khi chăm sóc bé cũng cần chú ý để tránh không bị lây bệnh. Những đồ dùng như quần áo, khăn mặt của người bệnh cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, hay là ủi.
Với các nốt thủy đậu khi vỡ thì nên chấm các thuốc sát trùng như xanh methylen, làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng khô nhanh. Nốt nào chưa vỡ thì không nên bôi vì không có tác dụng gì. Bên cạnh đó, nên tắm cho con bằng nước ấm, chú ý không tắm lâu như khi bé khỏe mạnh. Tránh gãi vì gãi làm nốt phỏng bị vỡ, có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn.
Với bé còn nhỏ nên mang bao tay xoa bột talc hoặc phấn rôm vô khuẩn khắp người để đỡ ngứa. Đồng thời chú ý giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng, súc miệng bằng nước sát trùng. Ban bị phỏng có thể mọc trong miệng vỡ ra, gây bội nhiễm làm bé không ăn được. Khi đó nên tư vấn bác sĩ để đảm bảo dinh dưỡng cho bé chống lại bệnh tật.
Để phòng bệnh cho bé bằng tăng cường vấn đề vệ sinh, ăn uống, đường hô hấp, da. Quan trọng là cần đưa bé đi tiêm phòng khi được 12 tháng tuổi. Bé đã bị thủy đậu thì không cần tiêm phòng nữa.
Theo Nam Phương
VnExpress
Bài viết khác
-
8 LƯU Ý PHÒNG BỆNH GIAO MÙA BA MẸ CẦN BIẾT
Vào những ngày thời tiết giao mùa trẻ thường rất dễ mắc các bệnh về đường ...
-
Có nên cho trẻ tiêm nhiều vaccine cùng lúc?
Chắc chắn rằng chúng ta, kể cả trẻ em hay người lớn đều không thích bị ...
-
Lưu ý cần biết để trẻ tiêm chủng an toàn
Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi buổi tiêm chủng chỉ được tiêm cho 50 ...