Bệnh tay chân miệng

  • Xem: 1.587

Bệnh tay chân miệng thường bùng phát mạnh vào khoảng tháng 2-5 và tháng 9-12. Bệnh này ít gây biến chứng nhưng nếu có thì thường rất nặng và dễ dẫn đến tử vong. Hãy tìm hiểu những kiến thức cơ bản để biết cách phòng, chống bệnh cho con một cách hiệu quả nhất.

Bệnh tay chân miệng thường bùng phát mạnh vào khoảng tháng 2-5 và tháng 9-12. Bệnh này ít gây biến chứng nhưng nếu có thì thường rất nặng và dễ dẫn đến tử vong. Hãy tìm hiểu những kiến thức cơ bản để biết cách phòng, chống bệnh cho con một cách hiệu quả nhất

Bệnh tay chân miệng là gì?

Đó là một loại bệnh do siêu vi thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 3 tuổi, đặc biệt là từ 10-24 tháng tuổi.

Có nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau của bệnh tay chân miệng lên sức khỏe của người bệnh. Với các trường hợp nhẹ, bệnh nhân sẽ bình phục sau khoảng bảy ngày mà không cần dùng thuốc điều trị; bệnh cũng thường không gây biến chứng gì. Nhưng với các trường hợp nặng, ở bệnh nhi thường xuất hiện các dấu hiệu như: liên tục quấy khóc khi ngủ, hay giật mình, hốt hoảng, sốt cao, co giật… Bệnh có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như biến chứng thần kinh, gây ra:

- Run chi, giật mình, run giật cơ khi ngủ, loạng choạng

- Thay đổi tri giác: vật vã, bứt rứt, chới với, hốt hoảng, li bì, mắt nhìn lên, rung giật nhãn cầu, co giật, hôn mê…

- Yếu chi, liệt mặt…

Bệnh cũng có thể gây biến chứng hô hấp, tim mạch – thường xảy ra trong bệnh cảnh có tổn thương não: triệu chứng thần kinh, thở nhanh, thở không đều, sùi khạc bọt hồng ra mũi miệng, mạch nhanh, huyết áp tăng hoặc tụt. Với trường hợp này, nguy cơ tử vong ở trẻ là rất cao. Các bác sĩ nhấn mạnh: “Khi có biến chứng này, nếu không điều trị đúng và kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vòng vài giờ.”

Một số biểu hiện bệnh HFM ở bàn tay, chân và miệng của trẻ (Ảnh: Internet)

Do đó, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, bố mẹ nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện để theo dõi và điều trị kịp thời khi nghi ngờ có biến chứng thần kinh hoặc rối loạn hô hấp- tuần hoàn, sốt cao liên tục khó hạ và nôn ói nhiều. Đối với trường hợp không có biến chứng có thể điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau và theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh của trẻ.

Các giai đoạn phát triển bênh?

Bệnh phát triển qua 3 giai đoạn :

Khởi phát: Giai đoàn này thường đặc trưng bởi sốt, có thể kèm theo ói và cả tiêu chảy; trẻ thường biếng ăn, mệt mỏi và đau họng.

Toàn phát: Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt, trẻ bắt đầu bị đau miệng. Họng trẻ có thể xuất hiện các chấm đỏ nhỏ, sau đó biến thành các bóng nước và tiến triển thành loét, biểu hiện bằng việc xuất hiện các bóng nước ở miệng, ở lưỡi và nhanh chóng tiến triển thành các vết loét. Các vết loét này khiến cho trẻ ăn uống kém, đồng thời làm tăng tuyến nước bọt.

Các bóng nước từ 2-10 mm hình oval cũng xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối; với dấu hiệu này, nhiều người rất dễ nhầm lẫn với các bệnh loét thông thường khác. Do đó, các bác sĩ nhấn mạnh: các bậc phụ huynh cần phải hết sức lưu ý để phân biệt được triệu chứng của bệnh tay chân miệng với các bệnh khác như: nhiễm khuẩn da, thủy đậu, Herpes, dị ứng và phong ngứa… nhằm phát hiện và điều trị bệnh cho trẻ kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Lui bệnh: Sau bảy ngày tính từ lúc khởi bệnh nếu không có biến chứng, bóng nước sẽ tự xẹp đi. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi bóng nước đã xẹp.

Các bậc phụ huynh cần cảnh giác với những trường hợp đặc biệt sau đây:

- Bóng nước rất ít và xen lẫn với hồng ban

- Chỉ biểu hiện hồng ban và không có bóng nước

- Chỉ loét miệng đơn thuần.

Với những trường hợp này, bố mẹ không nên bỏ qua mà phải cố gắng theo dõi sát trẻ để phát hiện kịp thời bệnh tay chân miệng nhằm điều trị hiệu quả.

Dấu hiệu phát ban, hồng ban sẽ xuất hiện trong vòng 1-2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, máu đỏ và một số hình thành bọng nước. Hồng ban rất nhỏ (1-2mm) xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân nên thường bị các bậc phụ huynh bỏ sót trong quá trình phát hiện bệnh cho trẻ.

Nguồn: Bác sĩ Trần Thị Thúy- Bệnh viện Nhi đồng 2

Hotline Hotline