Phát hiện bé thiếu canxi

  • Xem: 1.681

Bé quấy khóc, ngủ không ngon giấc và hay giật mình; ra nhiều mồ hôi nhất là khi ngủ... là dấu hiệu thiếu canxi.

Bé quấy khóc, ngủ không ngon giấc và hay giật mình; ra nhiều mồ hôi nhất là khi ngủ... là dấu hiệu thiếu canxi.

Trong thời gian đầu đời, bé cần rất nhiều vi chất dinh dưỡng (đặc biệt là canxi) cho quá trình phát triển xương, khớp và các cơ quan chức năng khác trong cơ thể. Nếu lượng canxi bé được cung cấp hoặc hấp thu không đủ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu canxi.

Dấu hiệu nhận biết bé thiếu canxi

- Bé quấy khóc, ngủ không ngon giấc, khi ngủ hay giật mình. Mỗi lần như vậy, bé có những cơn khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn khóc kéo dài và có thể nhiều giờ hoặc suốt đêm. Càng dỗ, càng ru, càng cho bú, bé càng khóc nhiều, có thể ngưng thở trong cơn khóc.

- Ra nhiều mồ hôi, nhất là khi ngủ.

- Tóc rụng thành đường hình vành khăn sau gáy.

- Hay có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt, ọc sữa…

Những trường hợp nặng có thể ngưng thở và thở nhanh, có các cơn tăng nhịp tim và có thể gây suy tim. Bé bị còi xương nặng do thiếu canxi thì thóp chậm liền, đầu bẹt, lồng ngực dô, chân vòng kiềng hoặc chữ bát, chậm mọc răng, chậm phát triển kỹ năng vận động.

Bé lớn hơn thường có những biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, gầy yếu, chóng mặt, đổ nhiều mồ hôi, ngủ không ngon giấc…

Nguyên nhân

- Bé sơ sinh thiếu chế độ tắm nắng phù hợp nên phải đối mặt với chứng thiếu vitamin D và nguy cơ tụt canxi trong máu.

- Tình trạng thiếu canxi kéo dài có thể do bé thiểu năng tuyến giáp trạng.

- Do chế độ dinh dưỡng của bé chưa hợp lý.

- Do mẹ mắc chứng tiểu đường, nhiễm độc thai nghén…

- Do bé bị ngạt, bị thiếu oxy trong máu trong quá trình sinh.

Phòng và điều trị tình trạng bé thiếu canxi

- Nhiều trường hợp thiếu canxi nhẹ, bác sĩ có thể cho bé uống canxi, kết hợp với vitamin D hàng ngày cho đến khi nào lượng canxi trong cơ thể bé ở mức cân bằng.

- Để chủ động phòng ngừa bệnh còi xương và chứng hạ canxi máu do còi xương, các mẹ có con nhỏ cần bảo đảm nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.

- Bạn cũng nên cho bé tắm nắng hàng ngày (trước 9h sáng) để bé tăng cường hấp thu canxi thông qua quá trình tổng hợp vitamin D. Nên bế con ra ngoài phòng, ngồi ở nơi không có gió lùa, để lộ tay, chân, lưng, ngực, bụng của bé ra ánh nắng mặt trời chừng 10–15 phút. Cho bé uống vitamin D mỗi ngày.

- Bữa ăn hàng ngày của mẹ cũng cần có thêm những thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, rau muống, rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, vừng, đậu tương… (chú ý xem xét nếu bé bị dị ứng).

- Khi bé bắt đầu ăn bổ sung, cần ưu tiên những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và canxi, nhớ cho bé ăn thêm dầu, mỡ, uống nước hoa quả tươi và ăn thêm quả chín. Phòng ở của bé cần thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng.

Những cách đưa canxi vào chế độ dinh dưỡng của bé

- Bữa sáng: Cho bé ăn loại ngũ cốc luôn có sữa tươi kèm theo. Nếu bé không “chịu” món sữa này, có thể thay thế bằng bún riêu cua mềm dễ nuốt có đậu phụ hoặc bánh đúc đậu phụ chiên chấm tương vốn rất giàu canxi.

- Đăng ký cho con vào danh sách uống sữa ở trường, lớp.

- Trời nóng, có thể bé ăn kem hay uống loại đồ uống từ sữa ướp lạnh, có thêm cacao hay hoa quả như dâu, cam mà bé thích hơn sữa đơn thuần rất nhiều.

- Trời mưa lạnh, cho bé uống sữa cacao nóng với vài chiếc bánh quy giòn lạt hay mặn có tăng cường canxi.

- Tận dụng máy xay sinh tố sáng chế ra những đồ uống hấp dẫn có sữa, kem (làm từ sữa) hay sữa chua đông thành kem với hương vị vani, chuối, dứa, sầu riêng, mãng cầu, ca cao…

- Cho bé ăn bánh có nhân trộn thêm sữa.

- Thêm sữa bột gầy vào xốt những món ăn mặn như ra-gu, ca-ri thịt, đậu, khoai…

- Cho bé ăn phômai và sữa chua vào những bữa phụ.

- Giải khát: Cho uống nước cam, quýt.

- Cho bé ăn nhiều rau xanh như rau muống, bó xôi, súp lơ xanh giàu canxi hoặc các rau khác.

- Quan trọng hơn cả là giải thích cho con bạn hiểu rằng nếu muốn cao, khỏe, đẹp thì cần uống sữa mỗi ngày hoặc ăn sữa chua, phômai, kem làm từ sữa. Thay vì uống nước, các bé nên uống ¼ lít sữa (một ly lớn), người lớn cũng uống một ly. Nếu sợ các bé béo vì sữa, có thể dùng sữa “gầy”; bé đang tuổi học sinh nên uống sữa có 2% chất béo, các bé lẫm chẫm biết đi thì uống sữa nguyên kem.

Theo Cẩm Nang Mua Sắm

Hotline Hotline