Kiểm soát thói hung hăng ở bé

  • Xem: 2.194

Đối với bé mới biết đi, đánh và cắn là cách để giao tiếp.

Đối với bé mới biết đi, đánh và cắn là cách để giao tiếp.

Dưới đây là những gợi ý để bé thể hiện cảm xúc tốt hơn là những hành vi hung hãn:

Một chuyện thường gặp với một số lý do

Trên thực tế, đánh, cắn và cào cấu, xô đẩy là phản ửng bình thường trong 3 năm đầu tiên của một bé. Đó là do cảm xúc lên cao trào mà bé lại thiếu kỹ năng bộc lộ một cách hiệu quả. Cha mẹ đừng nhầm tưởng rằng, một bé nóng nảy khi còn nhỏ thì sẽ có vấn đề về hành vi sau này. Bạn có thể cho là bé thiếu lịch sự và hung tợn khi cắn nhưng với bé, cắn chỉ là một cách giao tiếp “nguyên thủy”.

Bên cạnh đánh, cắn, một bé có khối lượng từ vựng chưa đồ sộ có thể dùng những công cụ truyền thông khác như la hét, hờn khóc. Trước khi bạn tìm cách ngăn chặn những phản ứng khó chịu này từ bé, bạn cần hiểu rằng, đó là cách bé đang cố gắng nói cho mẹ biết những gì bé cần hay không muốn.

Cắn để gây chú ý: Từ 18 tới 24 tháng tuổi, bé có thể dùng cắn, đánh để lôi kéo sự chú ý của mẹ. Thật vậy, bé nhận ra rằng không có cách nào nhanh hơn để được mẹ quan tâm bằng cách cắn vào bắp chân của mẹ hay “nhai” bắp tay chị gái của bé. Đánh, cắn, cấu, cào tuy không lịch sự lắm nhưng với bé, lại có hiệu quả là được người lớn chú ý ngay tắp lự.

Bày tỏ thất vọng: Bé mới biết đi thất vọng khi cha mẹ nói “không” hoặc không được các bé khác chia sẻ đồ chơi. Bé cắn, cào để chứng minh rằng bé đang khó chịu thế nào.

Ngăn chặn thái độ gây hấn ở bé

Đối với nhiều bé tuổi chập chững, đánh hoặc cắn chỉ là tật xấu tạm thời. Khi bé lớn hơn, thường là lúc lên 3, bé phân biệt được tốt hơn những hành vi sai trái, nhờ vào kỹ năng ngôn ngữ và khả năng điều chỉnh cảm xúc. Mặc dù vậy, cácc huyên gia vẫn khuyên rằng, cha mẹ nên rèn bé ngay từ đầu. Hãy nhanh chóng nhắc nhở bé với giọng điệu nghiêm túc và khắt khe vừa đủ. Đồng thời, thử áp dụng một số chiến lược dưới đây:

- Hãy nhất quán: Cần phản ứng với bé theo một cách nghiêm khắc mỗi lần bé đánh, cắn hay cào, cấu. Dần dần theo thời gian, bé có thể tự rút ra bài học cho mình sau nhiều lần “chơi xấu” như thế. Chẳng hạn, cuối cùng bé cũng nhận ra nếu bé đánh con chó thì sẽ bị mẹ phạt và không tặng bé một phiếu dán bé ngoan nữa. Đối với lứa tuổi 2-3, dạy bé nhất quán theo thời gian là một cách hiệu quả.

- Làm trò vui nhộn thay thế: Khi bé sắp bùng phát hành vi tiêu cực, bạn có thể vờ gầm lên như con sư tử hoặc giả làm con mèo kêu “meo meo”. Bắt chước tiếng động vật có thể ngay tức khắc thu hút bé mới biết đi vì nó vừa buồn cười, vừa đáng sợ. Lúc bé đang phân vân chưa hiểu mẹ định làm gì thì nhân cơ hội này, bạn chuyển hướng cho bé sang hoạt động khác.

- Biết nguyên nhân xấu tính của bé: Bé cắn, đá, quấy có thể do mệt, không ngủ đủ giấc ban trưa hoặc giấc ngủ ban đêm không đúng giờ. Bé cũng có thể cắn mẹ khi bé đói. Do đó, hãy cho bé ăn vặt đủ bữa và tuân theo giờ giấc ngủ nghiêm ngặt. Đừng quên cho bé đi chơi ngoài trời để tâm trí bé thoải mái.

- Sự ích kỷ của bé: Hầu hết các bé mới biết đi đều là “thần giữ của” – không muốn chia sẻ. Nếu nhiều bé cùng tranh một món đồ chơi thì hẳn rồi, cuộc xung đột “quyền lợi” chắc sẽ xảy ra. Khi cho bé tham gia một nhóm bạn, mẹ nên phân định đồ chơi cũng như trò chơi giúp các bé. Nếu bạn biết bé sắp giành một món đồ chơi, nên chuyển hướng bé bằng cách nói: “Đến đây, chơi cái này cùng mẹ nào”

- Tham khảo ý kiến chuyên gia: Nếu bé vẫn đánh, cắn sau tuổi lên 3, nó có thể chỉ ra một vấn đề về tình cảm hoặc sức khỏe mà bé cần được bác sĩ nhi khoa hay một chuyên gia phát triển trẻ em đánh giá. Những bé mẫu giáo có hành vi này có thể liên kết với chậm phát triển ngôn ngữ, sang chấn tâm lý do người thân qua đời hoặc những xáo trộn cảm xúc khác.

Phương Thảo

Hotline Hotline